THÔNG TIN CÔNG TRÌNH
- Tên công trình: Grand Mercure hotel – 5 Star
- Tư vấn thiết kế: Lê Trương, Nguyễn Hoàng Đức, Nguyễn Thành Trung, Trần Ngọc Anh, Phạm Thị Thu Trang, Lê Tùng
- Địa điểm: Hà Nội
- Chức năng: Kiến trúc công cộng
- Diện tích đất: 1576 m2
- Năm hoàn thành: 2022
Công trình đạt Giải Vàng Giải thưởng kiến trúc quốc gia 2024 – 2025, hạng mục Kiến trúc công cộng.
Chi tiết các công trình đạt giải xem tại: https://www.tapchikientruc.com.vn/tin-tuc/ket-qua-giai-thuong-kien-truc-quoc-gia-2024-2025.html
Grand Mercure là một thương hiệu nổi tiếng của Accor, đang hoạt động ở gần 100 nước trên thế giới.
Dù ở trung tâm thành phố, bãi biển, vùng núi hay trung tâm chính trị, văn hoá thì thương hiệu Grand Mercure đều phải mang lại những trải nghiệm mới lạ và phấn khích về giá trị văn hoá của chính nơi đó. Trong đó yếu tố bảo tồn và lưu giữ được đề cao.Công trình nằm trên khu phố cũ của Hà Nội, cách Văn Miếu – Quốc Tử Giám khoảng 200m. Công trình cũng nằm cận kề với trung tâm chính trị của cả nước. Cách đó không xa là Lăng Hồ Chủ Tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Toà nhà của Trung ương Đảng, Chính phủ và Quốc hội. Kiến trúc công trình mang phong cách hiện đại, kết hợp chất liệu kính, gỗ nhân tạo và tấm ốp kim loại.
Trên diện lớn của bề mặt công trình là nghệ thuật tổ hợp mảng, tấm và thanh để tạo nên một cấu trúc mang motip đặc trưng của kiến trúc truyền thống, đồng thời tạo hiệu ứng đóng góp cho thẩm mỹ công trình. Cấu trúc này vừa mang giá trị nghệ thuật nhưng cũng góp phần như những thành phần ngăn cản tối đa bức xạ của mặt trời từ hướng ĐÔNG và TÂY.
Toàn bộ không gian Nội thất khách sạn là một dòng chảy kết nối đậm chất Đông Dương – Boutique.
Nhóm tác giả lấy cảm hứng từ hình ảnh cây lúa – hạt thóc để khai thác, cách điệu và viết nên câu chuyện đậm bản sắc. Từ bao đời, cây lúa đã gắn bó thân thiết với con người, làng quê Việt Nam. Hạt gạo như hạt ngọc trời ban đã làm nên Bánh chưng – bánh dày, tượng trưng cho Trời và Đất. Cây lúa đã trở thành nét đẹp văn hoá, tinh thần của người Việt. Nó cũng là chất liệu, là nguồn cảm hứng trong rất nhiều sáng tạo nghệ thuật. Trên thế giới, cây lúa đã trở thành biểu tượng của các nước ASEAN. Nó như một báu vật cao quý.
Sự kết hợp những ý niệm, màu sắc, chất cảm của tự nhiên, của đất, của nước, của những thửa ruộng bậc thang, cánh đồng lúa chín vàng cùng những motip trang trí truyền thống đã làm nên những nguyên liệu quý báu cho sáng tạo nghệ thuật của công trình. Cấu trúc không gian, chi tiết hệ cửa bức bàn, bậc thềm hay màu đỏ đặc trưng của Văn Miếu – Quốc Tử Giám là những hình ảnh cụ thể để Nhóm tác giả nghiên cứu và khai thác.
Hình ảnh cây lúa – hạt thóc không quá cụ thể nhưng ẩn hiện, phảng phất, lan toả trong các không gian. Từ sảnh, nhà hàng, ballroom, phòng ở đến những chi tiết của sàn, tường, Trần, đèn, thảm trang trí v.v…
Các sản phẩm nội thất cũng là cơ hội để tôn vinh sự khéo léo, tài hoa của những người thợ thủ công Việt Nam để biến những chất liệu thành những tác phẩm nghệ thuật khác biệt và độc đáo.
Đó là các sản phẩm Gò Đồng, Sơn mài, chế tác Gỗ, Kim loại, các sản phẩm Gốm truyền thống được chế tác từ các làng nghề thủ công của Việt Nam.
Đinh Hằng – TCKT.VN
© Tạp chí Kiến trúc